Vướng nợ xấu, nhiều ngân hàng không thể chia cổ tức

vuong-no-xau-nhieu-ngan-hang-khong-the-chia-co-tuc

Dù lợi nhuận giữ lại lên đến hàng nghìn tỷ đồng, song nhiều ngân hàng không thể chia cổ tức cho cổ đông do vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngày 5/6 vừa qua, nhiều cổ đông Sacombank tỏ ra bức xúc vì trong nhiều năm liền không nhận được đồng lợi tức nào.

Một cổ đông cho biết, ông đã chờ đợi trong nhiều năm và không biết khi nào mới nhận được cổ tức của Sacombank, trong khi nhiều ngân hàng khác chia cổ tức ở mức cao, từ 30-50%.

Theo vị này, nếu không chia ở mức cao như một số ngân hàng khác thì Sacombank cũng nên chia cổ tức ở tỷ lệ từ 2-5% để an ủi cổ đông.

Trả lời thắc mắc của cổ đông, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, với nguồn lợi nhuận giữ lại hiện lên đến 4.000-4.500 tỷ đồng và Ngân hàng rất muốn chia cổ tức, nhưng không thể.

Lý do bởi Sacombank vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu kể từ khi sáp nhập thêm SouthernBank từ năm 2015 đến nay, nên theo quy định và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là phải tập trung nguồn lực để tái cơ cấu, không được chia cổ tức.

“Kỳ vọng trong 1-2 năm tới, Ngân hàng sẽ hoàn tất tái cơ cấu để được chia cổ tức”, Chủ tịch HĐQT Sacombank nói.

Còn tại SCB, sau khi hợp nhất với Ficombank và TinNghiaBank từ năm 2011 đến nay, nhà băng này phải tập trung nguồn lực để tái cơ cấu. Mới đây, đầu tháng 3/2020, NHNN đã chính thức duyệt phương án tái cơ cấu SCB giai đoạn 2.

Vì thế, SCB chưa thể chia cổ tức cho cổ đông, cho dù đang có hơn 1.234 tỷ đồng lợi tức giữ lại (trong đó, quỹ bổ sung vốn điều lệ là 521 tỷ đồng và lợi nhuận để lại là hơn 700 tỷ đồng).

Theo đại diện SCB, Ngân hàng rất thấu hiểu nỗi niềm của cổ đông trong nhiều năm qua không nhận cổ tức, nhưng nếu chia là làm trái quy định. SCB đang thực hiện tái cơ cấu và chưa xử lý xong nợ xấu (trái phiếu VAMC) nên không được chia cổ tức.

“Hiện tại, SCB còn nắm giữ hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC, song đã trích dự phòng hơn 40%. Quỹ dự phòng của SCB hiện đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, nên Ngân hàng vẫn đang nỗ lực xử lý nợ xấu để sớm được hoàn nhập dự phòng. Sau tái cấu trúc, cổ đông sẽ nhận được cổ tức”, vị này thông tin.

Tại ĐHCĐ thường niên 2020 diễn ra giữa tháng 5/2020, nhiều cổ đông MSB thắc mắc về khoản lợi nhuận còn lại của năm 2019 là gần 900 tỷ đồng có thể chia cổ tức tỷ lệ 5% được hay không.

Trả lời cổ đông, ông Huỳnh Bửu Quang, Phó chủ tịch HĐQT MSB cho biết, việc chia cổ tức là không thể khi MSB xử lý xong nợ xấu tại VAMC và chia sẻ thêm, nợ xấu của MSB hiện tương đương với khoản lợi nhuận giữ lại, đến quý III/2020 sẽ xử lý xong, khi đó việc chia cổ tức sẽ thuận lợi.

Tại Eximbank, lượng trái phiếu VAMC nắm giữ tính đến hết năm 2019 còn khoảng 3.200 tỷ đồng và đã  trích dự phòng được gần 2.100 tỷ đồng.

Như vậy, Eximbank cần xử lý tiếp hơn 1.100 tỷ đồng nữa là hoàn tất kế hoạch tất toán trái phiếu VAMC. Khi đó, Eximbank mới có thể chia cổ tức cho cổ đông, sau nhiều năm nói không.

Hiện tại, bên cạnh những ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu không được chia cổ tức, NHNN còn yêu cầu các ngân hàng không được chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho khách hàng mùa dịch (Chỉ thị 02).

Chính sách này được đánh giá là phù hợp với bối cảnh khó khăn hiện nay, khi vừa đảm bảo trả cổ tức cho cổ đông, đáp ứng quy định của NHNN, vừa có thể tăng được vốn, nâng cao năng lực tài chính theo chuẩn Basel II.

Theo đó, nhiều ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao như HDBank chia ở tỷ lệ 50%, ACB là 30%, OCB là 25-27%...

Theo: tinnhanhchungkhoan

2020-06-11 03:00:00 11 viewed