Tâm lý thận trọng trước rủi ro tỷ giá tăng

Tâm lý thận trọng trước rủi ro tỷ giá tăng

Các nhà phân tích cho rằng trong năm nay việc bơm tiền đồng thông qua giao dịch mua ngoại tệ sẽ có phần hạn chế hơn do nguồn cung ngoại tệ khó tăng...

Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 2/2020 của Trung tâm phân tích và tư vấn thuộc công ty chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố cho biết, trong cả tháng 1, tỷ giá USD/VND gần như đi ngang quanh mức chốt năm 2019, nguồn cung ngoại tệ hết sức dồi dào và NHNN vẫn liên tục mua vào ngoại tệ trong những tuần trước tết. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, chịu áp lực từ thị trường quốc tế, tỷ giá USDVND bật tăng trên cả ngân hàng và tự do. Chốt tháng, tỷ giá giao dịch trên ngân hàng là 23.100/23.270- tăng 20 và 40đ/USD; tỷ giá tự do là 23.200/23.300 – tăng 30 và 120đ/USD so với cuối năm 2019. 

Tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng thêm 39đ/USD, lên mức đỉnh mới là 23.196đ/USD trong khi tỷ giá mua vào của NHNN vẫn được giữ nguyên ở mức 23.175đ/USD. Quan sát của SSI Research cho thấy, chênh lệch tỷ giá mua vào và bán ra nới rộng, hiện ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây cho thấy tâm lý thận trọng trước rủi ro tỷ giá đang gia tăng.

SSI Reseach cho rằng, thương mại và du lịch giảm sút có thể khiến nguồn cung ngoại tệ không dồi dào như năm 2019. Tuy vậy với dự trữ ngoại hối đã tích lũy được trong các năm qua, bộ đệm để ứng phó với các biến động tỷ giá là khá vững. Tỷ giá giao dịch trên ngân hàng dự báo sẽ có biến động nhưng mức tăng không nhiều, xoay quanh mức 23.175đ/USD – là tỷ giá mua vào của NHNN và vẫn cách khá xa đỉnh ghi nhận trong 2019, trừ khi có những diễn biến trầm trọng hơn của dịch bệnh.  

Về lãi suất, trong nửa đầu tháng, thị trường mở không phát sinh giao dịch, tiền đồng vẫn liên tục được bơm ra qua giao dịch mua ngoại tệ của NHNN. Thanh khoản trên liên ngân hàng ở mức cao và lãi suất VND giảm mạnh, có thời điểm xuống dưới 1%/năm với kỳ hạn qua đêm. Chênh lệch lãi suất VND-USD thu hẹp liên tục và chuyển sang âm. Trong 5 ngày giao dịch trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, NHNN đã trở lại hút ròng 25.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu. Cùng với nhu cầu tiền đồng cao trong giai đoạn cao điểm, lãi suất VND đã quay đầu tăng, lên mức 3,08%/năm (+126 điểm cơ bản (bps) so với tháng trước ) với kỳ hạn qua đêm và 3,44%/năm (+62bps so với tháng trước đó) với kỳ hạn 1 tuần, chênh lệch lãi suất VND-USD khôi phục về mức +1,45%/năm.

So với năm 2019, việc bơm tiền đồng thông qua giao dịch mua ngoại tệ sẽ có phần hạn chế hơn do nguồn cung ngoại tệ khó tăng. Dòng tiền KBNN cũng có thể thu hẹp khi tốc độ giải ngân đầu tư công 2020 tăng tốc. Thông qua công cụ tài khóa này, lượng tiền trong lưu thông cũng sẽ tăng lên và gia tăng nguồn huy động cho các NHTM, từ đó lại hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất theo định hướng đề ra. Tuy vậy, đó là trong kịch bản tích cực.

Trên thị trường 1, lãi suất tiền gửi ổn định ở mức 4,1-5,0%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3-7,4%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-7,5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Trong cuộc họp với 21 ngân hàng thương mại ngày 6/2/2020, đại diện NHNN đã yêu cầu các NHTM không được tăng lãi suất cũng như có các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay để giảm thiểu thiệt hại với nền kinh tế do ảnh hưởng của virus Corona. 

Theo SSI Reserach, dịch bệnh đợt này có thế khiến lãi suất huy động và cho vay khó giảm hơn nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, lãi suất vẫn có khả năng giảm, rõ nhất là ở nửa cuối năm khi dịch bệnh lắng xuống và giải ngân đầu tư công có kết quả tốt.

H.Kim

Nhịp sống kinh tế

2020-02-12 19:40:00 21 viewed