Quý II sẽ là “điểm trũng” lợi nhuận ngân hàng

quy-ii-se-la-diem-trung-loi-nhuan-ngan-hang

Dù lợi nhuận quý đầu năm của không ít ngân hàng đã chịu tác động bởi dịch Covid-19, song các nhà băng cho hay, điều đó sẽ rõ nét hơn vào cuối quý II này. 

Khó giữ mục tiêu ban đầu

Kết thúc năm tài chính 2019, ngành ngân hàng đã gặt hái được không ít thành công, lợi nhuận thu về tăng đáng kể so với một năm trước đó.

Trong đó, không ít nhà băng đạt lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng (Techcombank, VPBank, BIDV, Vietinbank, Agribank), thậm chí Vietcombank còn đạt mức lợi nhuận trước thuế gần 1 tỷ USD. Đó chính là cơ sở để các nhà băng xây dựng mục tiêu lợi nhuận cao cho năm 2020.

Khi đó, con virus Covid-19 quái ác chưa xuất hiện nên những kỳ vọng lợi nhuận cao cho năm 2020 là khả thi với nhiều yếu tố hỗ trợ.

Chẳng hạn, đầu năm nay, tại hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2020, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản và huy động vốn tăng 12%, tín dụng tăng 14% (bằng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước - NHNN), nợ xấu dưới 0,8%.

Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 tăng 15%, tức khoảng 26.628 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết thúc quý đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 5.333 tỷ đồng, giảm 11,14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, lợi nhuận ở các mảng kinh doanh chính của nhà băng này sụt giảm, chi phí dự phòng lại tăng vọt 43%, lên 2.152 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận sụt giảm chủ yếu do các ngân hàng phải giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, nhất là với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tại Vietcombank, ngân hàng này dự kiến sụt giảm 2.240 tỷ đồng lợi nhuận sau 2 đợt giảm lãi suất được công bố từ đầu năm 2020 đến nay.

VietinBank cũng cho biết, Ngân hàng là một trong những đơn vị sớm ban hành văn bản chính sách nội bộ, ngay sau khi NHNN có Thông tư 01, xác định trong năm 2020 sẽ tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận từ 3.000-4.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đến nay, VietinBank đã giải ngân cho hơn 6.000 khách hàng với doanh số trên 130.000 tỷ đồng. Đồng thời, cơ cấu nợ cho hơn 1.500 khách hàng với tổng dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 50.000 tỷ đồng.

Trước đó, VietinBank dự kiến tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 21/4 để thông qua các chỉ tiêu kinh doanh, song do dịch Covid-19 lan rộng nên nhà băng này đã hoãn đại hội và chốt lịch họp mới vào ngày 23/5 tới. Hiện VietinBank chưa công bố tài liệu trình đại hội nên chưa rõ các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ đầu năm nay, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng khoảng 6-8%; tín dụng tăng trưởng khoảng 8-10%; lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng 10% trở lên so với năm 2019.

Quý đầu năm nay, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.974 tỷ đồng, dự phòng rủi ro tăng 35,52% so với cùng kỳ 2019, lên mức 4.393 tỷ đồng, phần lớn do trích lập cho nợ nhóm 3 tăng cao.

Tương tự, BIDV đã tổ chức Đại hồng cổ đông thông qua kế hoạch lãi trước thuế 12.500 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 15% so với năm 2019 trong điều kiện dịch Covid-19 sớm được kiểm soát. Tăng trưởng tín dụng dự kiến theo kế hoạch của NHNN (được giao là 9%), huy động vốn mục tiêu tăng 9%.

Tuy nhiên, nhà băng này cho biết, kế hoạch sẽ được điều chỉnh theo diễn biến của tình hình dịch bệnh. Kết thúc quý I/2020, BIDV giảm lãi trước thuế tới 28% so cùng kỳ do dự phòng tăng hơn 6.000 tỷ đồng.

Sẽ giảm thêm trong quý II?

Lợi nhuận quý đầu năm sụt giảm và lãnh đạo các nhà băng cho rằng, khó tránh đà giảm tiếp trong quý II/2020 do phải giảm lãi vay và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp chưa thể hồi phục.

Đồng thời, dịch Covid-19 đang tiếp diễn trên thế giới ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu. Điều này tác động đến lợi nhuận ngân hàng, khả năng nợ xấu tăng đòi hỏi dự phòng cao.

Theo lãnh đạo NHNN, lợi nhuận tất cả ngân hàng có vốn nhà nước năm nay phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Thời gian qua, các ngân hàng đã giảm 2-4%/năm lãi suất. Mặt khác, các ngân hàng phải tái cơ cấu, giãn nợ và giảm lãi suất cho khách hàng...

Chẳng hạn, với MB, tuy đạt 2.196 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I/2020, chỉ giảm 9% so với cùng kỳ 2019, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngân hàng này dự báo quý II sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn.

Chỉ bước sang quý III và quý IV, khi hoạt động sản xuất - kinh doanh cơ bản hồi phục thì mới xuất hiện cơ hội phát triển cho ngành ngân hàng và các ngành nghề khác.

Trong báo cáo thường niên, MB cũng cho biết, các mục tiêu kinh doanh năm 2020 thực sự là thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái vì dịch bệnh. Tuy nhiên, Ngân hàng đang nỗ lực để tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh khó khăn này.

Theo đánh giá của chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, việc ngân hàng giảm lãi suất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và cũng là để cứu chính mình.

Hiện các ngân hàng đang vào cuộc mạnh mẽ, tung ra các gói tín dụng với nhiều ưu đãi và lãi suất thấp để giảm thiểu tác động tiêu cực lên hoạt động của khách nợ, đồng thời sẵn sàng bứt phá khi dịch bệnh kết thúc.

Chính vì dự báo được khó khăn chưa sớm kết thúc và lợi nhuận khả năng sụt giảm tiếp trong quý II/2020, HĐQT Eximbank vừa đưa ra quyết định giảm mạnh 40% lợi nhuận so với kế hoạch ban đầu và dự kiến đạt 1.318 tỷ đồng năm nay. Kết thúc quý đầu năm, ngân hàng này đã thu về 457 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho biết, tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ 2019 do doanh nghiệp đẩy mạnh trả nợ để tránh áp lực trả lãi, trong khi nhu cầu vốn mới ít.

Tín dụng tính từ đầu năm đến hết tháng 4 tăng 1,42%, nhưng tới trung tuần tháng 5 mức tăng là 1,2%. Theo ông Hùng, dù dịch bệnh ở Việt Nam đã được kiểm soát, nhưng nhu cầu vốn vẫn còn thấp. Một số doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng không có kế hoạch kinh doanh chi tiết về dòng tiền, không đảm bảo được khả năng thu hồi vốn, nên ngân hàng không thể giải ngân.

Ngành ngân hàng khẳng định, các nhà băng không thiếu vốn cho vay, nhưng doanh nghiệp cần chứng minh được hiệu quả dự án, bởi nhiều đơn vị vay vốn mua nguyên liệu đầu vào sản xuất, nhưng chưa rõ đầu ra.

Theo phân tích tại báo cáo chiến lược đầu tư tháng 5/2020 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sau khi tăng trưởng cao giai đoạn 2017-2019, ngành ngân hàng dự kiến sẽ chứng kiến sự giảm tốc đáng kể về mức độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020.

Mức độ chịu ảnh hưởng của ngành ngân hàng trong quý I/2020 vẫn chưa quá lớn khi trong số 14 ngân hàng niêm yết mà VDSC thống kê cho thấy, tăng trưởng cho vay khách hàng tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, quý II này sẽ là điểm trũng lợi nhuận.

So với mức tăng lũy kế của cùng kỳ năm 2019, hoạt động cho vay chậm lại ở hầu hết các ngân hàng. Mặc dù tổng thu nhập hoạt động đạt mức tăng trưởng hơn 15%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ tăng trưởng hơn 3%.

Lợi nhuận sau thuế quý I//2020 giảm mạnh ở 2 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank và BIDV.

Ngoài ra, VietinBank, MB, Sacombank và Kienlongbank cũng ghi nhận tăng trưởng âm. Lợi nhuận sau thuế đã giảm mạnh so với mức tăng trưởng chung gần 11% của quý I/2019 do thu nhập lãi và dịch vụ giảm tốc và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh ở hầu hết ngân hàng.

Đồng thời, chi phí hoạt động cũng tăng mạnh hơn so với tăng trưởng về thu nhập.

Theo: tinnhanhchungkhoan

2020-05-21 01:32:00 18 viewed