“Mỏ vàng” mới của Vietnam Airlines

“Mỏ vàng” mới của Vietnam Airlines
Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) đặt mục tiêu sớm trở thành “công xưởng” cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay cho các hãng hàng không hàng đầu thế giới.

Công xưởng trong hãng bay

Sự kỳ vọng và lạc quan là điều có thể nhận thấy trong các phát biểu của lãnh đạo Vietnam Airlines, ST Engineering Aerospace - Singapore (STEA) và một hãng hàng không châu Á trong buổi lễ ký kết thỏa thuận nghiên cứu thành lập công ty liên doanh sửa chữa, bảo dưỡng thân, cánh máy bay tại Việt Nam diễn ra vào giữa tuần trước.

“Chúng tôi không mất quá nhiều thời gian để đạt được sự nhất trí về việc cần phải sớm thiết lập một cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng thân cánh tàu bay lớn tại Việt Nam. Liên doanh này khi được đưa vào hoạt động sau tối đa 2 năm nữa sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho cả ba bên”, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết.

Được biết, đối tác ngoại đầu tiên được Vietnam Airlines lựa chọn để hợp tác là ST Engineering - nhà cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng và vận hành (MRO) hàng không lớn nhất thế giới. Với mạng lưới toàn cầu phủ khắp châu Mỹ, châu Á, châu Âu và khu vực Trung Đông, ST Engineering đang phục vụ nguồn khách hàng rộng lớn thuộc các chính phủ, cơ quan quốc phòng và tổ chức thương mại tại hơn 100 quốc gia. 

Đơn vị sẽ trực tiếp hợp tác với Vietnam Airlines là Engineering Aerospace - công ty thành viên của ST Engineering, chuyên cung cấp các dịch vụ về sửa chữa và bảo dưỡng tàu bay gồm khung máy bay, động cơ, phụ tùng thiết bị; thiết kế kỹ thuật và dịch vụ kỹ thuật; các dịch vụ quản lý tài sản vật liệu hàng không... Từ năm 1990 đến nay, ST Engineering Aerospace đã phục vụ hơn 15.000 tàu bay cho các hãng hàng không vận chuyển hành khách, hàng hóa và khai thác quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và châu Âu.

Với ST Engineering Aerospace, đây là cách tốt nhất để gia nhập thị trường sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay Việt Nam với khoảng 232 tàu bay thương mại được vận hành bởi 9 hãng hàng không nội địa.

Vì một số lý do, danh tính của hãng hàng không nước ngoài tham gia liên doanh chưa được tiết lộ, nhưng theo Vietnam Airlines, đây là hãng bay lớn bậc nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sở hữu đội bay hiện đại gồm 261 chiếc. Quy mô đội bay khá lớn của liên minh hai hãng hàng không này sẽ tạo ra thị trường đủ lớn để liên doanh sửa chữa, bảo dưỡng thân, cánh máy bay yên tâm vận hành suôn sẻ trong giai đoạn đầu trước khi tính tới những kế hoạch lớn hơn.

Trước đó, vào tháng 9/2019, Vietnam Airlines và ST Engineering Aerospace cũng đã cho ra mắt Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ hàng không Việt Nam - Singapore (VSTEA) với tổng vốn đầu tư 90,48 tỷ đồng, tương đương 3,891 triệu USD, trong đó đối tác Singapore góp 44,3 tỷ đồng, tương đương 49% vốn góp, Công ty Kỹ thuật máy bay (VAECO), đơn vị thành viên của Vietnam Airlines góp 46,14 tỷ đồng, tương đương 51% vốn góp thực hiện Dự án.

Theo đánh giá của ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, việc VAECO bắt tay với đối tác thành lập VSTEA là bước tiến quan trọng, không chỉ giúp đội bay máy bay phản lực thương mại gồm hơn 100 chiếc được bảo dưỡng, sửa chữa sâu hơn ở Việt Nam, thay vì phải thực hiện thay thế và gửi chi tiết hỏng sang nước ngoài sửa chữa, mà còn giúp thợ máy VAECO tiếp cận được những kỹ thuật cao và khó hơn trong bảo dưỡng, sửa chữa máy bay.

Tuy nhiên, đối với lãnh đạo Vietnam Airlines, việc liên tiếp thiết lập 2 liên doanh sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay trong vòng 1 năm trở lại đây là bước đệm quan trọng để hãng trở thành một “công xưởng” hàng không lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Vietnam Airlines có thế mạnh là sở hữu VAECO - đơn vị nguồn lao động chất lượng cao, có khả năng cung cấp dịch vụ với chi phí hợp lý. Quan trọng hơn, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được triển khai, chúng tôi có khả năng xây dựng các cơ sở công nghiệp bảo dưỡng hàng không quy mô lớn, đồng bộ - một lợi thế mà rất ít hãng hàng không lớn trong khu vực có được”, ông Đặng Ngọc Hòa, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết.

Giữ miếng bánh thị phần

VAECO được coi là đơn vị xương sống trong Vietnam Airlines Group. Đơn vị này được thành lập từ năm 2009, hiện có số vốn điều lệ 1.060 tỷ đồng, đang giữ vị trí số 1 tại thị trường bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay trong nước.

Với trên 2.700 lao động, trong đó có gần 1.300 lao động kỹ thuật có giấy phép bảo dưỡng tàu bay do nhà chức trách hàng không Việt Nam, Cơ quan An toàn hàng không Liên minh châu Âu (EASA), Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp, đặc biệt, VAECO hiện có 6 hangar, có khả năng bảo dưỡng cùng một thời điểm cho 2 máy bay thân rộng và 7 máy bay thân hẹp. Bên cạnh khách hàng lớn là Vietnam Airlines, Công ty VAECO đang đảm bảo cung cấp dịch vụ kỹ thuật (ngoại trường, nội trường, cung ứng phụ tùng, bảo dưỡng nội thất…) kịp thời và chất lượng cho gần 50 khách hàng quốc tế với hơn 50.000 chuyến bay và hơn 30 gói bảo dưỡng dạng C một năm với doanh thu năm 2019 đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 113 tỷ đồng.

“Chúng tôi coi việc phát triển lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay với VAECO là nòng cốt và ưu tiên hàng đầu để bù đắp cho sự chững lại về doanh thu, lợi nhuận của lĩnh vực vận tải đang ngày một rõ nét”, ông Dương Trí Thành cho biết.

Trên thế giới, có khá nhiều hãng hàng không lớn có doanh thu, lợi nhuận từ dịch vụ phụ trợ sửa chữa, bảo dưỡng máy bay còn lớn hơn nhiều lần so với nghề chính là vận tải hàng hóa và hành khách, trong đó Air France KLM được cho là hình mẫu cho Vietnam Airlines theo đuổi.

Cần phải nói thêm rằng, trong lúc các hãng đang "mải mê" lao vào cuộc đua phát triển đội bay, tăng chuyến phục vụ nhu cầu thị trường, thì lĩnh vực bảo dưỡng, sửa chữa đội tàu bay tại Việt Nam và đội tàu bay nước ngoài trong trường hợp gặp sự cố tại Việt Nam lại ít được các hãng quan tâm.

Theo ông Lim Serh Ghee, Chủ tịch STEA, dự báo trong thập kỷ tới, đội máy bay thương mại và nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng máy bay ở châu Á - Thái Bình Dương ước tính sẽ gia tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lần lượt là 4,5% và 5%. Thị trường hàng không tại Việt Nam vẫn tăng trưởng với tốc độ 2 con số, cho dù doanh thu và lợi nhuận các hãng không còn tốt như trước.

Vietnam Airlines đang sở hữu nhiều tàu bay nhất với 104 tàu bay các loại, hầu hết là các dòng tàu bay hiện đại, thân rộng và chuẩn bị đón 50 tàu bay thân hẹp A321 NEO. Tương tự, Vietjet Air hiện có 68 tàu bay và sẽ nhanh chóng đạt mức 135 tàu bay các loại vào năm 2025. Bamboo Airways muốn nâng cấp đội bay lên 10 tàu bay và đạt 30 tàu bay vào năm 2025... Các hãng mới như Viettravel Airlines, Kite Air... chuẩn bị gia nhập thị trường khiến cho sức ép về các dịch vụ sau bay của ngành hàng không càng trở nên cấp thiết.

Tuy nhiên, việc sở hữu các lô đất đủ lớn để xây dựng các cơ sở bảo dưỡng, bảo trì tàu bay tại các cảng hàng không, nguồn nhân lực và kinh nghiệm lại là vấn đề thách thức đối với các đơn vị này.

Vietjet Air - đơn vị có quy mô đội bay lớn thứ 2 với 73 chiếc (tính đến ngày 15/1/2020) cũng vừa thiết lập Trung tâm kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, sau thời gian dài sử dụng dịch vụ của Công ty Dịch vụ kỹ thuật hàng không Singapore. Tuy nhiên, với các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng ở cấp độ cao, hãng vẫn phải thuê ngoài hoặc thực hiện ở nước ngoài. Với tần suất 400 chuyến bay/ngày, phục vụ gần 1 triệu lượt hành khách/ngày thì việc sửa chữa, bảo dưỡng tàu liên tục cũng là một thách thức với Hãng.

“Nếu hãng nào chủ động khai thác được dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy bay ngày một tốt hơn, hãng đó không chỉ gia tăng tính chủ động trong việc khai thác đội bay, làm chủ bầu trời, mà còn khai phá được "miếng bánh" trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm”, một chuyên gia nhận định.

Theo: tinnhanhchungkhoan

2020-02-12 19:31:00 84 viewed