Lùm xùm tại Tòa nhà Sông Đà - Hà Đông: Chủ đầu tư và Ban quản trị kéo nhau ra tòa

Lùm xùm tại Tòa nhà Sông Đà - Hà Đông: Chủ đầu tư và Ban quản trị kéo nhau ra tòa

Đầu tháng 3/2020, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm giải quyết vụ việc tranh chấp giữa Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà (SDU) - chủ đầu tư dự án Tòa nhà hỗn hợp Sông Đà - Hà Đông và Ban quản trị tòa nhà này.

Chủ đầu tư đề nghị tòa án buộc Ban quản trị phải trả lại diện tích tầng hầm, tuyên các hợp đồng dịch vụ giữa Ban quản trị và các đơn vị dịch vụ vô hiệu và mở lối cửa kho siêu thị tầng 1 (lối sau tòa nhà).

Năm 2019, Tòa án nhân dân quận Hà Ðông đã chấp nhận các yêu cầu này. Vì không đồng tình, Ban quản trị đã kháng cáo lên tòa phúc thẩm.

Thực tế, mâu thuẫn đã âm ỉ từ năm 2018 liên quan đến nhiều vấn đề như diện tích chung - riêng, phòng cháy chữa cháy, bàn giao quỹ bảo trì… và cư dân đã gửi nhiều đơn thư đến các cơ quan chức năng. Trong khi vụ việc còn chưa được giải quyết thì lại xuất hiện thêm lùm xùm.

Theo SDU, Tòa nhà Sông Ðà - Hà Ðông được cấp phép xây dựng gồm 34 tầng nổi, chưa bao gồm tầng mái, tầng kỹ thuật và 2 tầng hầm.

Khu thương mại từ tầng 1-8 là do chủ đầu tư trực tiếp kinh doach hoặc cho thuê. Tòa nhà được khởi công từ năm 2008, đến năm 2010 thì hoàn thành.

Chi phí xây dựng 2 tầng hầm và khu dịch vụ thương mại không được phân bổ vào giá bán căn hộ. Từ năm 2010, Công ty cổ phần Media Mart đã ký hợp đồng thuê tầng 1-2-3 để mở siêu thị và văn phòng làm việc.

Sau khi tòa nhà được đưa vào sử dụng, SDU đã thuê công ty con là Công ty TNHH MTV Quản lý và kinh doanh dịch vụ SDU vận hành.

Ðến tháng 6/2016, Hội nghị nhà chung cư lần đầu được tổ chức và Ban quản trị được bầu ra gồm 5 thành viên, hoạt động theo mô hình quản trị hợp tác xã và được Ủy ban nhân dân quận Hà Ðông chấp thuận. Ðơn vị vận hành tòa nhà đã bàn giao lại việc quản lý tòa nhà cho Ban quản trị.

SDU cho rằng, Ban quản trị đã ký hợp đồng dịch vụ với công ty mới là Công ty cổ phần Gia Lộc An không đúng quy định khi chưa họp ban quản trị, chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư.

Hợp đồng có điều khoản xâm hại quyền lợi của SDU, cụ thể là các bên tự thỏa thuận thu tiền trông xe tại 2 tầng hầm vốn thuộc sở hữu riêng của công ty, trong khi hợp đồng mua bán và hồ sơ liên quan không có điều khoản nào ghi nhận diện tích 2 tầng hầm thuộc sở hữu chung của tòa nhà.

Mặt khác, Ban quản trị còn bịt cửa kho siêu thị tầng 1, gây cản trở hoạt động kinh doanh của Siêu thị Media Mart.

Ông Ðỗ Thái Sảng, Trưởng Ban quản trị cho rằng, chủ đầu tư vi phạm khi tổ chức Hội nghị chung cư và thành lập Ban quản trị sau khi tòa nhà đã hoạt động được 6 năm. Hợp đồng cũng không có điều khoản nào quy định diện tích tầng hầm thuộc sở hữu của chủ đầu tư.

Báo cáo tài chính giai đoạn 2010-2016 của SDU cũng không nhắc đến diện tích tầng hầm này, đồng thời đề nghị SDU xuất trình hồ sơ xây dựng tòa nhà, hồ sơ hoàn công được Kiểm toán nhà nước phê duyệt và văn bản hồ sơ tài chính.

Trường hợp SDU bỏ vốn xây dựng tầng hầm thì theo Luật Nhà ở năm 2005, diện tích để xe của tòa nhà thuộc sở hữu chung. Ban quản trị sẽ tính giá trị để trả lại cho chủ đầu tư.

Theo ông Sảng, Ban quản trị nhiều lần đề nghị chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì, bàn giao quyền sở hữu diện tích chung - riêng, nhưng SDU đều trốn tránh. Ban quản trị đã nộp đơn đến các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân, Bộ Xây dựng… và đang chờ ý kiến phản hồi.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa rằng tại sao không làm đơn khởi kiện hoặc đơn phản tố tại tòa sơ thẩm để đòi quyền lợi, ông Sảng cho biết, sau khi phiên tòa này kết thúc sẽ họp cư dân để khởi kiện chủ đầu tư.

Vị này cũng phân trần, những lần tổ chức họp Ban quản trị, đại diện của SDU đều bỏ về khiến việc tổ chức rất khó khăn.

Trải qua quá trình xét hỏi và tranh luận tại tòa, Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa để xác minh vị trí để xe ô tô, xe máy tại diện tích tầng hầm và sẽ thông báo mở lại phiên tòa vào thời gian tới.       

Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2019, SDU đang ghi nhận khoản phải trả là kinh phí bảo trì tòa nhà Sông Đà - Hà Đông tương ứng với phần tiền thu của khách hàng là 1,73 tỷ đồng, còn kinh phí bảo trì tương ứng với phần tài sản của Công ty là 3,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong khi tranh chấp với Ban quản trị chưa được giải quyết thì SDU đã thế chấp quyền tài sản phát sinh, quyền khai thác và sử dụng, quyền cho thuê từ tầng 1-3 và một phần tầng 4 Tòa nhà Sông Đà- Hà Đông cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vào năm 2015.

Ðỗ Mến

 

2020-03-13 00:02:00 69 viewed