Độ nhạy giữa tín dụng với lãi suất không cao khiến lãi vay chậm hạ

do-nhay-giua-tin-dung-voi-lai-suat-khong-cao-khien-lai-vay-cham-ha

Các nhà phân tích kinh tế - tài chính cho rằng, sở dĩ mặt bằng lãi suất của Việt Nam còn cao do chính sách tài khoán chưa mở và chính sách tiền tệ phải thận trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, cầu tiêu dùng giảm kéo nhu cầu vốn đi xuống, nên ngân hàng khó duy trì lãi suất mức cao mà phải theo cung - cầu vốn của thị trường. 

Lạm phát thấp

Theo ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ tổng hợp, Ban kinh tế Trung ương, trong năm 2019, có một hiện tượng lạm phát 3 tháng cuối năm tăng vọt lên. Chính việc tăng vọt của lạm phát 3 tháng cuối năm 2019 dẫn đến lạm phát đầu năm 2020 tăng lên.

Quý I/2020, lạm phát của Việt Nam lên 5,9% cao hơn 4,9% quý cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, sang tháng 4/2020, lạm phát lại tăng trưởng âm 1,54%. 

Mục tiêu lạm phát năm 2020 được Quốc hội thông qua ở mức 4%, nhưng khả năng lạm phát thấp hơn mục tiêu, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Yếu tố thứ hai là trong 2018 đến đầu 2019, lạm phát cơ bản bắt đầu tăng và mục tiêu ban đầu đưa ra cuối năm 2020 lạm phát cơ bản ở ngưỡng kỳ vọng khoảng 2%. Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, lượng tiền không thể ra nền kinh tế, sẽ kéo lạm phát cơ bản xuống sâu.

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đến hết tháng 1 chỉ tăng 0,1% so với đầu năm, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42% và tới trung tuần tháng 5 lại giảm xuống, chỉ tăng 1,2%.

"Lạm phát của chúng ta rất nhạy cảm với các mặt hàng thuộc Nhà nước quan lý như giá xăng dầu, giá điện, dịch vụ y tế và giáo dục. Trong thời gian qua, khi đại dịch xảy ra, giá xăng dầu đã giảm mạnh. Theo tính toán của chúng tôi, giá xăng, giá điện sẽ kéo lạm phát xuống. Từ đó có thể thấy được, áp lực lạm phát 2020 là không đáng kể. Chúng ta có thể tự tin mở rộng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, với chính sách tiền tệ không dễ để mở rộng", ông Tú Anh nói.

Thực tế cho thấy, khi đại dịch xảy ra, tất cả các nước đều giảm lãi suất, song tiền không dễ chảy ra nền kinh tế. Bởi với hệ thống ngân hàng hiện nay được kiểm soát rủi ro rất chặt, không phải cứ khách hàng có nhu cầu và doanh nghiệp kêu là ngân hàng sẽ cung ứng vốn. Ngược lại, ngân hàng cũng có tiêu chuẩn để đảm bảo được khoản vay, luôn phải kiểm soát rủi ro.

Mặt khác, theo ông Tú Anh, hiện các ngân hàng chưa giảm mạnh được lãi suất là do độ nhạy giữa tín dụng của Việt Nam với lãi suất không cao. Nếu các ngân hàng nhìn thấy được việc giảm 1% lãi suất và tín dụng có thể tăng lên nhiều, thì chắc chắn các nhà băng sẽ giảm mạnh lãi suất.

Một điểm nữa là chính sách tiền tệ nằm ở chính sách tài khóa. Nếu chính sách tài khóa giải ngân được tiền (giải ngân gói 700.000 tỷ đồng đầu tư công, đặc biệt số tiền Kho bạc Nhà nước đang gửi ở hệ thống các ngân hàng) ra nền kinh tế, thì tiền sẽ quay lại các tổ chức tín dụng.

Khi đó, sẽ giảm áp lực huy động cho các ngân hàng, do lượng tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế tăng lên. Qua đó sẽ khiến lãi suất huy động giảm, tạo điều kiện để kéo theo lãi suất đầu ra giảm.

Do đó theo ông  Nguyễn Tú Anh, chính sách tài khóa phải đi trước và giải ngân được tiền, sẽ hỗ trợ chính sách tiền tệ. Ngược lại, nếu chính sách tài khóa còn bị “kẹt”, thì chính sách tiền tệ cũng sẽ rất khó trong điều kiện hiện nay.

Với chính sách tài khoá, phân tích của Viện nghiên cứu Phát triển công nghệ ngân hàng, Đại học Quốc Gia TP.HCM (VNUHCM-IBT) cho rằng, để giải quyết cuộc khủng hoảng do dại dịch Covid-19 gây ra cần sử dụng công cụ chính là chính sách tài khóa, còn chính sách tiền tệ sẽ đóng vai trò hỗ trợ. 

Các chuyên gia của VNUHCM-IBT khuyến nghị, phải có các giải pháp chính sách tài khoá ngắn hạn và giải pháp trung hạn như cho phép hạch toán đầy đủ chi phí lương; nhanh chóng khơi thông khối tiền đầu tư công 700.000 tỷ đồng trong năm 2020 (vốn phát sinh trong năm 2020 khoảng 135.000 tỷ đồng và vốn của kế hoạch các năm trước đây được chuyển nguồn thực hiện ở năm 2020 khoảng 565.000 tỷ đồng)...

Đồng thời, giải quyết vấn đề khó tiếp cận vốn cho doanh nghiệp bằng cách thực hiện dịch chuyển rủi ro của chủ nợ về phía Chính phủ thông qua các chương trình bảo lãnh tín dụng, giúp khơi thông nguồn vốn đến các doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ; cho phép doanh nghiệp chuyển lỗ về năm trước hoặc năm sau trong hạn định 5 năm nhằm giảm áp lực kinh tế lên doanh nghiệp.

Lãi suất giảm

Chính những yếu tố trên lý giải vì sao mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện chưa giảm mạnh. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Tú Anh, về lâu dài, lãi suất của Việt Nam sẽ giảm. Bởi nếu ngân hàng không giảm lãi suất cho vay, tín dụng khó ra thị trường. Trong khi đó, ngân hàng vẫn phải trả lãi suất huy động cho khách hàng, cuối cùng giảm lợi nhuận.

"Rõ ràng, các ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và họ hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Với áp lực hiện nay thì không cần có sự thúc đẩy từ cơ quan quản lý, các ngân hàng cũng phải tính toán trong việc tiết giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay ra. Bởi đây chính là thị phần và các nhà băng cũng phải cạnh tranh. Ngân hàng khó duy trì lãi suất cao", ông Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.

Thực tế, trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần giảm lãi suất điều hành; giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng về 4,25% và lãi suất liên ngân hàng cũng đã giảm mạnh. Đây là điều kiện tích cực để ngân hàng giảm lãi suất đầu vào, giảm lãi vay đầu ra từ 0,5-4%. Tuy nhiên, do cầu vốn của khách hàng chưa tăng, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Các chuyên gia của VNUHCM-IBT cũng cho rằng, cần cân nhắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu lạm phát 4% của năm 2020 để giúp Ngân hàng Nhà nước có dư địa đủ lớn cho việc nới lỏng tiền tệ và cắt giảm lãi suất, không chỉ dừng lại ở lãi suất liên ngân hàng, mà phải đảm bảo tác động làm hạ thấp mạnh hơn nữa lãi suất cho vay kể cả lãi suất của các món nợ cũ. 

Vì vậy, các chuyên gia VNUHCM-IBT cho rằng, thay vì chỉ đeo đuổi mục tiêu chung của tăng trưởng tín dụng, cần đặt ra mục tiêu hỗ trợ cho các ngành ưu tiên như công nghiệp chế biến - chế tạo xuất khẩu, thương mại, thuỷ sản, nông nghiệp… Việc xác định ngành ưu tiên hỗ trợ nên dựa trên ít nhất hai yếu tố là tốc độ phục hồi và mức độ ổn định của đầu ra của sản phẩm. 

Những doanh nghiệp hồi phục nhanh sẽ giúp nâng đỡ nền kinh tế và từ đó tác động lan tỏa để các doanh nghiệp khác phục hồi. Như vậy, chính sách cần có sự tập trung theo nhóm ngành chứ không nên dàn trải, thiếu tập trung. 

Về phía cơ quan quản lý chính sách tiền tệ, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng đã sớm vào cuộc chia sẻ khó khăn cùng khách hàng ảnh hưởng bởi Covid-19. Lãi suất điều hành giảm 2 lần tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất đầu vào và đầu ra.

 Theo ông Tú, chính sách tiền tệ tiếp tục điều hành ổn định, linh hoạt tỷ giá và nỗ lực giảm dần lãi suất để cùng với doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo: tinnhanhchungkhoan

2020-05-22 02:18:00 14 viewed