Cơ hội cho những kế hoạch kinh doanh “mới hoàn toàn” của các ngân hàng

Việc lùi lại lịch Đại hội đồng cổ đông thường niên đã tạo thời gian để nhiều nhà băng cân nhắc trình những kế hoạch kinh doanh mới hoàn toàn tới các cổ đông.

Kienlongbank là ngân hàng hiếm hoi tổ chức đại hội đồng cổ đông vào ngày 27/3 trước khi có chỉ thị cách ly xã hội của Chính phủ. Có lẽ vì vậy mà kế hoạch kinh doanh của Ngân hàng vẫn được dự thảo khá sáng.

Năm 2020, Kienlongbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 750 tỷ đồng, tức tăng gần gấp 9 lần so với năm 2019 và gấp 2,6 lần so với năm 2018. Tổng tài sản dự kiến tăng 12,72% đạt 57.600 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 15,89% đạt 38.800 tỷ đồng, huy động vốn tăng 13,14% đạt 52.500 tỷ đồng.

Lãnh đạo Kienlongbank cho biết, kế hoạch lợi nhuận này được xây dựng trên cơ sở dịch Covid-19 được kiểm soát tốt nhất. Còn thực tế, nếu diễn biến dịch kéo dài, ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh, thì HÐQT Ngân hàng sẽ có báo cáo đến đại hội để điều chỉnh phù hợp.

Theo lãnh đạo các ngân hàng, năm nay, không ngân hàng nào có thể xây dựng được một kịch bản kinh doanh do diễn biến dịch “chưa thể lường trước”. Kể cả những ngân hàng xây dựng kịch bản theo nhiều nấc, tốt nhất và xấu nhất, cũng chưa hẳn đã chính xác. Một kế hoạch linh hoạt cho phép điều chỉnh là hợp lý hơn cả.

Nợ xấu là bài toán treo lơ lửng trong mỗi bài toán của lãnh đạo bất kỳ ngân hàng nào. Theo nhận định của tổ chức tín nhiệm quốc tế Moody's, các rủi ro đối với chất lượng tài sản có thể phát sinh do sự bùng phát của dịch Covid-19 đang lớn dần.

Nếu dịch bệnh kéo dài sẽ dẫn tới sự gia tăng các khoản nợ xấu từ những doanh nghiệp sản xuất, thương mại và doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực có mối quan hệ chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ðể hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là hỗ trợ mình, các nhà băng buộc phải giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp đang vay vốn, cơ cấu lại nợ… chấp nhận giảm lợi nhuận ngắn hạn.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết, Ngân hàng phải hy sinh ít nhất 300-450 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng từ dịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu cũng như mức trích lập dự phòng rủi ro.

Hiện tại, hầu hết ngân hàng chưa tổ chức Ðại hội đồng cổ đông đều đã đưa ra dự kiến kinh doanh. Tuy nhiên, nhìn vào những “dự kiến” này, có thể thấy đa phần vẫn ở kịch bản sáng, được lập khi dịch Covid-19 chưa lan rộng.

Ðơn cử, ACB dự kiến đạt 8.700 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2020 so với mức thu về 7.515 tỷ đồng năm qua, song nhà băng này cũng vừa phải hủy lịch họp đại hội dự kiến tổ chức vào ngày 7/4 tới và chưa thể trình cổ đông thông qua kế hoạch trên.

Thế nhưng, trước diễn biến thị trường hiện nay, ACB sẽ cân nhắc có sự điều chỉnh.

Với BIDV, ngân hàng này đã tổ chức đại hội và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020 ở mức 12.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2019, tỷ lệ nợ xấu dự kiến dưới 1,6%.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo BIDV, nếu tính tổng dư nợ các ngành có khả năng bị ảnh hưởng như du lịch, xuất khẩu, nông nghiệp... thì gia trị khoảng 140.000 tỷ đồng.

Vì thế, mục tiêu lợi nhuận đặt ra đầu năm trong kịch bản dịch bệnh kết thúc vào tháng 3/2020 trở nên khó khăn và Ngân hàng sẽ điều chỉnh nếu cần thiết.

Techcombank, ACB, Eximbank, SeABank, MB... cũng đều lùi lịch họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên về trước thời điểm 30/6, với kỳ vọng khi đó dịch bệnh đã đi qua. Rất có thể những ngân hàng này sẽ trình những kế hoạch kinh doanh “hoàn toàn mới” tới các cổ đông khi đại hội được tổ chức.

Tất nhiên, ở thời điểm hiện tại, chưa thể nói về những con số mới sẽ có hình hài thế nào vì dịch Covid-19 vẫn diễn tiến phức tạp.

Ông Lê Hữu Ðức, Chủ tịch HÐQT MB cho hay, Ngân hàng sẽ bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, cố gắng kiểm soát nợ xấu dưới 2%. Trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh, MB sẽ tiết giảm chi phí hoạt động, nhân sự được duy trì như năm 2019 và tăng năng suất lao động lên.

Theo: tinnhanhchungkhoan

2020-04-07 00:14:00 17 viewed