Bất động sản công nghiệp phía Nam “lên giây cót“

bat-dong-san-cong-nghiep-phia-nam-len-giay-cot

Nhận định về làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới chuẩn bị chảy mạnh vào Việt Nam, nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp phía Nam đã “lên giây cót” để sẵn sàng đón sóng.

Làn sóng FDI mới

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đạt khoảng 14 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có hơn 1.200 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7,4 USD, tăng 15,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Đồng thời, có 436 dự án điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 31,4%, đạt 3,5 tỷ USD; có hơn 3.500 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị lên tới gần 3 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện ước tính đạt 6,7 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký lên tới 4 tỷ USD, chiếm 53,8% tổng số vốn đăng ký cấp mới. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 37%, các ngành còn lại đạt khoảng 686 triệu USD, chiếm 9,2%...

Trong đó, 3 vị trí dẫn đầu về thu hút vốn FDI trong 5 tháng đầu năm đều thuộc về các địa phương phía Nam. Cụ thể, Bạc Liêu dẫn đầu vớn 4 tỷ USD, tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu, thu hút gần 2 tỷ USD và xếp thứ 3 là TP.HCM, thu hút hơn 1,6 tỷ USD.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm, Thành phố có 450 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng lý là hơn 248 triệu USD.

Ngoài ra, Thành phố có 80 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 122 triệu USD. Thành phố cũng chấp thuận cho 1.923 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, tổng vốn 1,23 tỷ USD.

Còn tại Long An, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2020, tỉnh này có 41 dự án FDI được cấp mới với số vốn đăng ký là 162 triệu USD, nâng tổng vốn đăng ký tại đây lên 362,3 triệu USD. Lũy kế các dự án còn hiệu lực tính đến cuối tháng 4/2020, Long An có hơn 1.200 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là khoảng 8,2 tỷ USD.

Theo một số chuyên gia trong ngành, tổng vốn đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đầu năm có xu hướng giảm, song nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19, trong khi Việt Nam vẫn được xem là mảnh đất lành cho dòng vốn FDI chất lượng cao từ xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, nhất là tại các địa phương phía Nam.

Làn sóng dịch chuyển này đã bắt đầu từ năm 2019 và càng được thúc đẩy mạnh hơn từ đầu năm 2020, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều tập đoàn lớn như Apple, Google,
Foxconn… đã nhắm Việt Nam là điểm đến của mình.

Bất động sản công nghiệp sẵn sàng đón sóng

Để đón làn sóng đầu tư này, nhiều khu công nghiệp mới đã được khởi công, những khu công nghiệp hiện hữu cũng đang ra sức đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhà xưởng xây sẵn để dành cho các nhà đầu tư mới.

Cụ thể, ngày 4/6, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Ledana tại Bình Phước, với diện tích hơn 424 ha, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước góp 200 tỷ đồng, tương ứng 17%. Dự án do Công ty cổ phần quốc tế Lê Đại Nam làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án là trong 50 năm.

Trước đó, ngày 17/5, Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An đã khởi công dự án khu công nghiệp Việt Phát, với quy mô lên tới 1.800 ha tại Long An. Dự án được quy hoạch theo mô hình kết hợp giữa khu công nghiệp và khu đô thị. Cụ thể, diện tích đất dành cho khu công nghiệp là 1.200 ha và phần đất còn lại dành cho phát triển đô thị.

Cũng tại Long An, giai đoạn 3 của Khu công nghiệp Đức Hòa III - SLICO do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Sài Gòn - Long An làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng với tổng diện tích hơn 195 ha.

Tại đây, chủ đầu tư dành diện tích cho kho bãi, cũng như đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu đặc thù cho ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ và chế biến. Dự kiến, khu công nghiệp này sẽ hoàn thành kết cấu hạ tầng và đưa vào khai thác vào năm 2023.

Ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tân Thành Long An chia sẻ, thương chiến Mỹ - Trung và dịch Covid-19 đang thúc đẩy làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc sang các nước, trong đó có nước ta trở nên mạnh mẽ hơn. Đây là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đón nhận các dòng đầu tư từ những công ty hàng đầu, tầm cỡ quốc tế.

"Dòng vốn FDI đang có chiều hướng tìm đến Việt Nam rất mạnh. Chúng tôi nhìn ra cơ hội đang rất lớn nên quyết định khởi công đúng thời điểm vàng, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới này", ông Thành nói và cho biết thêm, toàn bộ diện tích của dự án Khu công nghiệp Việt Phát đã được hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng sẵn sàng đáp ứng đa dạng và hiệu quả mọi nhu cầu của nhà đầu tư.

“Doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp này trong thời gian sớm nhất”, ông Thành khẳng định.

Còn tại Bình Dương, Công ty Becamex IDC và các đối tác, bao gồm VSIP (liên doanh với Tập đoàn Sembcorp - Singapore), Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW, đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng với gần 4.000 ha đất khu công nghiệp, cũng như đã hoàn thành 20 ha nhà xưởng xây sẵn dành cho các nhà đầu tư mới.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC cho biết, hiện nay, Becamex IDC đã đầu tư xây dựng, quản lý vận hành nhiều khu công nghiệp tại Bình Dương như: Bàu Bàng, Bàu Bàng mở rộng, Mỹ Phước 1, 2, 3, Thới Hòa… Đồng thời, cùng với các đối tác như VSIP, BW đã phát triển các khu công nghiệp và logistics trên nhiều tỉnh thành trong cả nước.

“Chúng tôi không chỉ phát triển khu công nghiệp, mà còn cả hệ sinh thái công nghiệp, với đô thị dịch vụ đi kèm, hạ tầng giao thông kết nối nội bộ và liên tỉnh, gắn với cảng biển, sân bay gần nhất. Ngay cả hạ tầng mềm như nhà ở xã hội cho người lao động, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, hạ tầng văn hóa thể thao, y tế, đào tạo nâng cao tay nghề đều được triển khai mạnh mẽ tại các khu công nghiệp”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, để đón làn sóng FDI, việc Nhà nước đẩy nhanh cải cách hành chính và hỗ trợ sát sao những doanh nghiệp hiện hữu còn đang gặp khó khăn vướng mắc chính là chìa khóa để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.       

Việt Dũng
Báo Đầu tư Bất động sản

 

2020-06-24 23:44:00 52 viewed