Bản tin thị trường chứng khoán 7/4/2020: Cổ phiếu lớn tiếp đà, VN-Index tiến gần mốc 750 điểm

Bản tin thị trường chứng khoán 7/4/2020: Cổ phiếu lớn tiếp đà, VN-Index tiến gần mốc 750 điểm

Mặc dù áp lực gia tăng khiến nhiều mã quay đầu mất điểm nhưng với điểm tựa vững chắc từ một số cổ phiếu lớn đã giúp thị trường vững vàng đi lên trong phiên chiều. Chỉ số VN-Index tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 5, tiến gần hơn với mốc 750 điểm.

Sau 4 phiên tăng mạnh liên tiếp, giúp nhiều mã tăng vọt, đặc biệt như họ Vingroup và Bảo Việt tăng gần 40%, hay nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng hồi phục 20% so với đáy, thị trường đã gặp áp lực chốt lời và rung lắc trong phiên sáng 7/4.

Tuy nhiên, những “ông lớn” vẫn làm tốt vai trò trụ đỡ cho thị trường, tiếp tục là điểm tựa giúp thị trường bảo toàn sắc xanh khi chốt phiên sáng.

Bước sang phiên chiều, đà tăng tiếp tục được nới rộng hơn khi những đôi cánh này được nối dài. Cụ thể, cặp đôi VHM và VRE được kéo tăng trần cùng lượng dư mua trần, trong khi thành viên khác là VIC lại quay đầu về mốc tham chiếu trước sức ép khá lớn từ cung ngoại.

Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng nới rộng biên độ hơn như VNM +2,4% lên 98.500 đồng/CP, SAB +3,8% lên 137.000 đồng/CP, MWG ngấp nghé trần và kết phiên +6,7% lên 74.600 đồng/CP, MSN +2,9% lên 57.500 đồng/CP, BVH +5,6% lên 47.800 đồng/CP.

Dòng bank dù không còn tăng mạnh nhưng hầu hết cũng như được sắc xanh nhạt như VCB, BID, MBB, HDB, STB, VPB.

Tuy nhiên, ở nhóm cổ phiếu dầu khí, cặp đôi lớn GAS và PLX quay đầu giảm do áp lực bán tăng mạnh, đáng kể PLX -3,1% xuống 38.850 đồng/CP. Trái lại, PVD có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp, dừng chân tại mốc mức giá 8.620 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn thứ 3 thị trường, đạt 14,12 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng chịu áp lực bán mạnh. Điển hình ROS lùi về sát mức giá sàn khi -6% xuống 3.740 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất, đạt 21,62 triệu đơn vị; FLC -2,3% xuống 2.950 đồng/CP và khớp 11,93 triệu đơn vị… Ngoài ra, HAI, DLG, DXG, SCR, QCG… cũng kết phiên trong sắc đỏ, hay AMD, LDG giảm sàn.

Chốt phiên, VN-Index tăng 9,94 điểm (+1,35%), lên 746,69 điểm với 200 mã tăng và 153 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 292,97 triệu đơn vị, giá trị 4.776,51 tỷ đồng, giảm 12,25% về lượng nhưng tăng nhẹ 2,73% về giá trị so với phiên 6/4. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,41 triệu đơn vị, giá trị 654,33 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, diễn biến phân hóa và rung lắc cũng diễn ra trong phiên 7/4 sau phiên tăng vọt hôm qua. Tuy nhiên, về cuối phiên, HNX-Index đã đảo chiều hồi nhẹ nhờ sự hỗ trợ tích cực của một số bluechip.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,17 điểm (+0,16%), lên 103,43 điểm với 68 mã tăng và 72 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 68,19 triệu đơn vị, giá trị 665 tỷ đồng, tăng 6,15% về khối lượng và 7,26% về giá trị so với phiên 6/4. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 11,71 triệu đơn vị, giá trị hơn 80 tỷ đồng.

Các cổ phiếu họ P cũng không còn giữ được sắc tím nhưng đây vẫn là những mã hỗ trợ cho đà tăng của thị trường, với PVS +4,4% lên 11.800 đồng/CP, PVB +5,2% lên 10.100 đồng/CP, PVC +2% lên 5.000 đồng/CP, PVI +0,3% lên 30.600 đồng/CP. Trong đó, PVS vẫn giao dịch sôi động nhất sàn HNX với hơn 11,48 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Bên cạnh đó, một số bluechip khác cũng duy trì được đà tăng như SHB +2,1% lên 14.900 đồng/CP, VCS +0,8% lên 60.000 đồng/CP, DGC +0,5% lên 21.500 đồng/CP… Đáng kể trong nhóm HNX30 cs TNG tăng trần với khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt 2,5 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,15 triệu đơn vị.

Trái lại, ACB đảo chiều giảm cùng với nhóm cổ phiếu chứng khoán quay đầu điều chỉnh tại BVS, MBS, CTS… hay SHS, CEO đứng giá tham chiếu.

Trên thị trường UPCoM, chỉ số UPCoM-Index đã may mắn thoát hiểm trong phút cuối phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,19%), lên 50,43 điểm với 105 mã tăng và 88 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,8 triệu đơn vị, giá trị 197 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 0,82 triệu đơn vị, giá trị 17,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn là vua thanh khoản trên UPCoM với hơn 4 triệu đơn vị được giao dịch thành công. Tuy nhiên, đóng cửa BSR đảo chiều giảm 3,39% xuống 5.700 đồng/CP.

Đứng thứ 2 về thanh khoản vẫn là LPB với khối lượng giao dịch hơn 1,6 triệu đơn vị, kết phiên cổ phiếu này đứng tại mốc tham chiếu.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ cố VN30-Index vẫn duy trì đà tăng, trong đó hợp đồng có thời gian đáo hạn gần nhất là VN30F2004 (đáo hạn ngày 16/4) tăng 3,08% lên 677 điểm với 228.037 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 24.296 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, có 8 mã đứng giá, 22 mã giảm và 25 mã tăng, trong đó mã có thanh khoản tốt nhất là CMSN1902 với 41.019 đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa tăng 57,14% lên 110 đồng.

Theo: tinnhanhchungkhoan

2020-04-07 03:10:00 16 viewed